Tin tức

Ưu và nhược của nhà container

Ngày đăng: 14.06.2016 / Lượt xem: 3211

Đọc xong bài của bạn Phan Pheo, tôi thấy nhiều điểm chưa sáng tỏ lắm nên đành hý hoáy để ngõ hầu có thêm một góc nhận định về công trình này. Về cơ bản công trình hoàn thiện có thể “show” hàng hoặc đưa vào sử dụng phải gồm đủ hai yếu tố gọi nôm na: cứng và mềm.

Về cơ bản công trình hoàn thiện có thể “show” hàng hoặc đưa vào sử dụng phải gồm đủ hai yếu tố gọi nôm na: cứng và mềm.

Cứng là những sắp xếp ngăn chia không thể di dời hay thay đổi, nếu có điều chỉnh ở phần này, không gian hình khối sẽ đổi, kéo theo nội dung cũng thay đổi. Cứng cho ta cảm thụ về kích thước, không gian và định hướng chân thật nhất. Nôm na cứng là tim trục, cột, sàn bê tông, tường ngăn chia, kích thước ô cửa, vật liệu để ốp lát sơn phết hoàn thiện.

.

Mềm là những thành phần rời, có thể thay đổi hình dáng màu sắc, thêm vào bớt ra, song chỉ làm thay đổi cảm nhận về công trình mà không thay đổi nội dung công trình. Mềm cho ta các cảm thụ giả tạo với “hình như” “có vẻ” không chắc chắn, do ảo giác (thị sai của mắt) gây ra. Mềm do tính chất thay đổi linh hoạt mà người thiết kế sẽ vận dụng khả năng sáng tạo của mình để làm rất nhiều việc, chẳng hạn như khắc phục, sửa chữa những khiếm khuyết: về điểm nhìn, hướng nhìn, mở rộng thu hẹp không gian, thông thoáng hay dồn nén không gian… khi mà phần cứng đã làm hết khả năng. Đại khái, mềm là cảnh quan và trang trí nội thất.

Tùy vào từng thể loại (công năng) mà cứng hay mềm sẽ quyết định đến tính thẩm mỹ và hiệu quả sử dụng. Tuy nhiên về căn bản, phần cứng vẫn là thước đo chính để đánh giá sản phẩm và khả năng sáng tạo của người thiết kế. Ngoài ra, phần cứng quyết định chủ yếu khả năng thích dụng (công năng), tính an toàn tiện lợi cho người sử dụng theo thời gian. Ngược lại phần mềm sẽ bổ sung hỗ trợ cho người dùng cảm quan tiện nghi nhưng không làm thay đổi được tính thích dụng hay an toàn tiện lợi (đơn giản giải quyết bề nổi là công việc chính của nó).

Trở lại với công trình có vỏ bằng container này, thấy rằng tác giả đã khéo léo cắt, khoan, đục, nối ghép từ các vỏ hộp chứa hàng thành một căn hộ tương đối tiện nghi. Và để phân biệt với một không gian văn phòng, tác giả đã khéo léo bài trí vật dụng gia đình. Kết quả cho thấy đây là một căn hộ khá trang nhã. Bằng việc tạo khoảng cách giữa hai hộp và vị trí lệch nhau vừa đủ đã làm cho không gian bên trong dễ dàng ngăn chia cũng như tăng diện lấy sáng.

Không gian linh hoạt và giao thông trong nhà rõ ràng chỉ bằng cách xếp đặt.

 

A. Đi sâu vào phần cứng ta dễ dàng nhận thấy những ưu và nhược điểm như sau:

Ưu: 
- Khối nhà chắc khỏe nhờ những đường gân nổi lên trên bề mặt của container, và cũng nhờ màu cam làm cho công trình càng như tách bạch với không gian xung quanh. Có thể tác giả muốn rằng công trình này phải được nhận ra từ rất xa, như một điểm nhấn không thể không đập vào mắt mỗi khi có dịp đi ngang qua khu vực này. Cũng rất may ánh sáng sau khi phản chiếu và đổ bóng lên trên các sọc gân đã giảm nhẹ ít nhiều cái màu chói chang này.

.

- Ngôn ngữ kiến trúc: Hiện đại, mạch lạc, mảng đặc rỗng, phức tạp và đơn giản đan xen lẫn nhau làm bề ngoài công trình hài hòa, nhìn không nhàm chán.

- Cũng nhờ khoảnh đất tọa theo triền đồi thoai thoải mượt cỏ, xa xa dưới thấp là cánh rừng xúm xít đậm sắc xanh, xung quanh không bị chướng ngại vật che khuất, nên tác giả có được cơ hội tuyệt vời để có thể xoay và chọn ra hướng nhìn tuyệt đẹp cho các view chính căn nhà. Một món quà lớn dành tặng cho chủ nhân chính là ngắm trọn vẹn bình minh và hoàng hôn, mà lại từ thảo nguyên mênh mông thì còn gì bằng.

- Dây chuyền công năng của căn nhà nói chung cũng bình thường, không đặc sắc. Khối tích thì bị khống chế nên cơ bản như thế này là ổn, tuy có một “chút” trục trặc đáng kể.

- Ánh sáng và thông gió tốt, dĩ nhiên rồi, xung quanh rộng đến thế kia mà.

Nhược có vài thứ:

- Có thể thấy ngay rằng mặc dù rất cố gắng nhưng tác giả vẫn không thể vượt qua được cái “gót chân” của container, đó là kích thước. Với chiều cao sau khi lót gỗ và đóng trần, rõ ràng chỉ còn khoảng 2,4 m là tối đa, khá thấp. Hình ảnh quan sát thấy vẫn ổn nhưng thật ra bằng thủ thuật nhiếp ảnh là sử dụng tính năng đẩy xa của ống kính góc rộng đã đánh lừa mắt ta mà thôi.

- Cách bố trí nhà xí “độc quyền” đã làm công năng thích dụng giảm đi gần hết, đây không phải là nhà trên xe kéo cũng không phải là căn hộ trên toa xe lửa, thế nhưng tác giả bố trí bí bách, thật không hiểu nổi?!

Bằng cách xoay hướng nhà, tác giả giúp cho người sử dụng được ngắm bình minh và hoàng hôn trọn vẹn.

 

Căn hộ 2 phòng ngủ nhưng chỉ có 1 vệ sinh độc quyền! Hậu quả nếu đứa trẻ đi vệ sinh vào ban đêm chắc hẳn sẽ làm cha mẹ choàng tỉnh.

- Vách kính nhà tắm. Với những bồn tắm nổi như thế này người ta sẽ phải bước qua thành bồn đối với đàn ông. hoặc ghé mông ngồi rồi từ từ xoay thả chân vào bốn đối với phụ nữ. Thế nhưng tấm kính đặt đến nửa bồn có vẻ vướng víu nhỉ mà cũng chỉ được liên kết trên hai cạnh! Đây cũng là thiết kế cách ngăn bồn tắm duy nhất tôi từng thấy. Chắc hơi khó sử dụng đây.

Vách ngăn kính và việc không có rèm có vẻ gì đó rất không an toàn

 

B. Phần mềm: Nội thất tác giả dùng màu trắng (hoặc xám nhạt?) làm chủ đạo với mục đích làm “nở” không gian do chiều ngang bị bó hẹp. Màu trắng có ưu điểm là rất dễ kết bạn với nhiều màu khác mà không bị “phô”, thế nên ta có thể thấy bên trong nội thất tác giả dùng đủ các màu từ nâu của gỗ, be của ghế sô pha, đỏ của ghế ăn, xanh lá của chuối kiểng, thậm chí cả màu cam ngoại thất và cánh rừng xa thẫm cũng góp phần tạo màu sắc cho nội thất. Nói chung khá hài hòa.

Bức tranh chỉ vì bình hoa, cái gối và cái ghế cứ như bị trẻ con lỡ tay quẹt màu ra vậy.

Tuy vậy, đúng như bạn Pheo nói, các phụ kiện màu đỏ như cặp bình, ghế và gối chưa tạo ra hài hòa, hay bởi sự tương phản sắc độ quá đột ngột, chúng làm phân tán điểm nhìn cũng như không gian. Tuy nhiên là đồ trang sức nên hoàn toàn không thể quy kết tác giả thiếu thẩm mỹ. Có khi do người chụp ảnh tham màu sắc mà kê vào chưa biết chừng. Một nhược điểm nữa, đó là khả năng treo rèm hình như không được tính đến, thế thì hơi khó sống rồi, nhất là khi câu chuyện riêng tư cần phải diễn ra.

Gom lại, tôi thấy đây là công trình khá đẹp, nhưng để có thể sống tốt thì cần phải chỉnh sửa thêm. Việc chỉnh sửa này là nhu cầu bình thường (không có gì đặc biệt theo tập quán) của mọi con người trên hành tinh này. Và dĩ nhiên vẻ đẹp của căn nhà này cũng có sự đóng góp không nhỏ từ khu đất rộng thênh thang và phong cảnh tuyệt đẹp xung quanh.

Bên cạnh đó cũng phải lưu ý rằng việc sử dụng container có rất nhiều khuyết điểm, vì kích thước của nó vốn dĩ không phải để ở là một, thứ hai việc gia công chế tác như đối với công trình này là hết sức tốn công, chưa kể phải điều chỉnh cắt gọt cũng như gia công các chi tiết liên kết cơ khí khác để đấu nối các hệ thống phụ trợ. Mà thực ra quan sát kỹ, ta thấy hàm lượng tận dụng được rất ít từ chiếc container cho cấu trúc căn nhà, mà việc đó cũng có thể làm nhanh gọn từ khá nhiều vật liệu khác.

Về cảm nhận chung, đúng như bạn Pheo và các bạn đã nói, đây có thể chỉ là một cuộc chơi, một thử nghiệm nho nhỏ, một sản phẩm chào hàng đã cố ý lược bỏ khá nhiều các tiểu tiết với mục đích chính là PR cho “bản sắc anh hùng dùng container” không hơn không kém.

Kết: Ép mọi thứ kể cả cuộc sống của mình chỉ để đổi lấy việc tận dụng 2 cái container cũ là điều rất đáng cân nhắc, mà có phải rẻ rúm gì.

- Lê Phương

(Hình minh họa lấy từ nguồn Archdaily)

tags: nhà container, nha container, container